logobig

My Cart

0 item(s)

There are 0 item(s) in your cart
Subtotal: 0
Contact Info
  • 0989 555 301
  • Số 37/1 Thanh Bình, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • Mon - Fri: 7am to 10pm
    Sat - Sun: 8am to 10pm
Cẩm nang Chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu (3) (1)

Cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu khỏe mạnh

Mang thai là một niềm vui vỡ òa sau bao ngày mong ngóng. Tuy nhiên, một hành trình mới mở ra cũng không kém phần thử thách, làm cách nào để chăm sóc vợ tốt nhất trong thời kỳ thai nghén luôn là những câu hỏi thường trực ở các ông bố trẻ. Bài viết dưới đây tổng hợp các kinh nghiệm thường gặp để bố tham khảo và có thể chăm sóc mẹ bầu được tốt nhất.

3 tháng đầu tiên của thai kỳ – thời kì “vàng” cho cả con và mẹ

Đây còn được gọi là tam cá nguyệt đầu tiên. Để chăm sóc bà bầu giai đoạn này tốt thì bạn cần phải biết những thay đổi ở mẹ như nào, bé phát triển ra sao để có những lưu ý riêng. Hiểu được thai kỳ ở giai đoạn đầu này có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt và chuẩn bị cho những thay đổi lớn ở phía trước.

Sự thay đổi về sinh lý của mẹ bầu

Một số phụ nữ trải qua qua tam cá nguyệt đầu tiên với ít hoặc không có triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp trong 12 tuần đầu này của thai kỳ như mệt mỏi, buồn nôn, đau nhức vú, thay đổi tâm trạng, đi tiểu thường xuyên và táo bón. Những triệu chứng này được gọi chung là ốm nghén. Có những dấu hiệu mang thai báo hiệu sớm cho mẹ bầu như: cảm giác kiệt sức,triệu chứng căng ngực, hay bạn có thể cảm thấy những cơn buồn nôn nhẹ khi thấy thức ăn.

Mỗi phụ nữ mỗi khác, họ tìm những cách khác nhau để xử lý các triệu chứng ốm nghén. Một số mẹ bầu ăn đồ ăn nhẹ như bánh quy để kiểm soát cơn buồn nôn. Còn những mẹ bầu khác thì lại uống nhiều nước giúp giảm mệt mỏi.

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến và khó khăn nhất trong ba tháng đầu của thai kỳ. Bạn có thể sẽ cảm thấy mình như thiếu ngủ. Giai đoạn này, cơ thể bạn có nhiệm vụ hết sức nặng nề là sản xuất nhau thai – huyết mạch cho em bé của bạn.

Ngực nhạy cảm và thay đổi: Núm vú của bạn nhô ra nhiều hơn so với bình thường, và cả nhạy cảm hơn trước. Đó là do cơ thể bạn đang chuẩn bị thay đổi cho việc cho em bé bú sau này. Da vú sẽ phân 2 màu rõ rệt: vùng da sậm màu xung quanh núm vú nổi bật hơn giúp cho em bé có thể nhìn thấy núm vú. Vì mắt trẻ sơ sinh không nhìn rõ được, mới chỉ phân biệt được hai màu đen và trắng.

Tăng nhạy cảm với mùi: Khi mang thai mũi bạn trở nên đặc biệt nhạy cảm. Bạn có thể ngửi thấy mùi bữa ăn trưa của đồng nghiệp từ khắp phòng, và cả những mùi như mùi nước hoa, mùi giày bẩn của ai đó. Bạn sẽ là người đầu tiên nhận ra mùi lạ xuất hiện. Và thậm chí những mùi này khiến bạn buồn nôn. Hãy để một số thứ có mùi dễ chịu xung quanh bạn chẳng hạn như bạc hà, gừng hay chanh.

Buồn nôn và nôn là cảm giác nôn nao trong dạ dày, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày. Đây là biểu hiện thường thấy nổi bật ở giai đoạn 3 tháng đầu. Đây có thể là sự kết hợp giữa thay đổi hormone, sự căng thẳng và các thay đổi khác ở cơ thể (như nhạy cảm với mùi).

Đi tiểu nhiều hơn: Bạn sẽ mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh với tần suất đi tiểu trong giai đoạn đầu này. Hormon hCG thai kỳ đang làm tăng lưu lượng máu đến vùng xương chậu và thận của bạn, làm cho chúng hoạt động nhiều hơn khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.

Tin tốt: Đến cuối tam cá nguyệt thứ nhất, cơ thể bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ hết sức nặng nề là sản xuất nhau thai, vì vậy bạn có thể cảm thấy tràn đầy năng lượng. Trong lúc chờ đợi hãy lắng nghe cơ thể bạn và hãy nghỉ ngơi đầy đủ, ăn đúng cách và thường xuyên.

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu như thế nào?

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu như thế nào?

Em bé bắt đầu hình thành được gọi là phôi thai. Bên cạnh đó, túi ối và nhau thai cũng dần hình thành. Túi ối chứa đầy nước ối và có tác dụng bảo vệ phôi thai đang phát triển. Nhau thai giúp sản xuất máu và nuôi dưỡng phôi thai.

Có rất sự phát triển đang diễn ra để tạo thành 1 em bé – tất cả các hệ thống chính và phụ của cơ thể như hệ tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh… và các cơ quan tim, phổi, dạ dày… Một trong các hệ thống hoạt động đầu tiên đó là hệ tuần hoàn cùng với cơ quan đồng hành của nó là Tim. Bạn có thể thấy tim em bé qua siêu âm sớm từ những tuần thứ 5 hoặc muộn hơn đôi chút.

Bên cạnh đó một số cơ quan khác bao gồm như ống thần kinh cũng phát triển mạnh ở giai đoạn này. Lúc này bạn cần phải bổ sung axit folic theo khuyến cáo của bộ y tế để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh.

Tiếp đó em bé của bạn dần dần hình thành và từ chấm nhỏ xíu em bé phát triển đến tầm 14 gam tương đương với quả mận ở cuối tam cá nguyệt thứ nhất này. Và điều thật khó tin khi nhìn từ bên ngoài, bụng của bạn hầu như không có gì thay đổi, nhưng em bé bên trong bụng đang lớn dần.

Kinh nghiệm chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu

Những xét nghiệm đầu tiên

Tín hiệu đầu tiên khi bạn biết mình mang thai là gì? Cơn buồn nôn hay trễ kinh hay là thông báo 2 vạch? Bạn cần những xác nhận chính xác bạn đang mang thai, sau đó theo lịch khám thai định kì mà bác sĩ hẹn. Cụ thể có những xét nghiệm hay lịch khám như sau:

Xác nhận mang thai: Siêu âm hay thử nồng độ HCG trong máu để biết chính xác mình đang mang thai hay không và đang ở tuần thứ bao nhiêu.

Khám thai định kỳ: bạn sẽ cần được chăm sóc y tế và kiểm tra thường xuyên trong suốt thai kỳ. Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ:

  • Từ tuần 6 – 10: Sau khi biết có thai, siêu âm để xác định thai đã vào tử cung chưa, thai đơn hay thai đôi và có tim thai hay không.
  • Từ tuần 11 – 13: Đo khoảng sáng sau gáy để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim…).

Xét nghiệm sàng lọc: Có những xét nghiệm sàng lọc dựa trên kết quả phân tích máu mẹ như Double test, Triple test, hay NIPT. Mỗi xét nghiệm sẽ có mốc thời gian khác nhau và cần được tư vấn đầy đủ từ bác sĩ. Các xét nghiệm này sẽ phát hiện sàng lọc được các trường hợp thai nhi hội chứng Down, Edward (3 nhiễm sắc thể 18), patau (3 nhiễm sắc thể 13), hay các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể giới tính.

Với những trường hợp mẹ bầu có nguy cơ cao mang thai các bệnh tật di truyền thì các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh có thể được thực hiện như chọc ối, sinh thiết gai rau. Tuy nhiên cần có tư vấn cụ thể từ bác sĩ.

Không nên bỏ qua những mốc quan trọng trong việc khám thai, siêu âm, cũng như xét nghiệm sàng lọc. Mẹ bầu nên hỏi kỹ bác sĩ sản khoa, bác sĩ siêu âm về thời gian của lần khám/ siêu âm tiếp theo.

Kinh nghiệm chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu

Ý nghĩa của việc siêu âm 3 tháng đầu:

  • Xác định có thai hay không, tình trạng tim thai
  • Đánh giá quan sát tử cung, phần phụ
  • Đo chiều dài đầu mông, ước tính tuổi thai, dự kiến sinh
  • Xác định chửa trứng hay thai ngoài tử cung
  • Đánh giá bất thường của túi thai.

Lên kế hoạch cho chế độ dinh dưỡng

Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý trong 3 tháng đầu thai kỳ giúp cho thai nhi ổn định trong tử cung, phát triển những bộ phận cơ bản nhất. Đầu tiên, cần đảm bảo đủ nhóm dinh dưỡng gồm: chất đạm, sắt, chất béo, chất xơ, canxi, khoáng chất, Vitamin,…

  • Chất đạm: Có từ thịt, cá tươi, thịt gia cầm, các thực phẩm chế biến từ sữa bò, các loại đậu, ngũ cốc, trái cây.
  • Đường: Có trong trái cây, cà rốt, sữa, gạo, bánh mì, ngũ cốc.
  • Chất béo: Nên chọn các chất béo lành mạnh. chọn dầu ăn thực vật thay vì mỡ lợn.
  • Vitamin A: Giúp tăng trưởng tế bào não, có trong rau xanh, gan, chất béo, sữa, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá.
  • Vitamin D: Có trong sữa bò, dầu ăn, dầu gan cá.
  • Vitamin C: Có trong rau cải, quýt, cad chua, cam, bưởi.
  • Các Vitamin B: Có nhiều ở gạo lứt, lòng đỏ trứng, thịt, rau cải, quả khô, đậu.
  • Axit folic: Cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Đặc biết rất cần bổ sung trước bầu và 3 tháng đầu để tránh dị tật ống thần kinh.
  • Sắt: Phòng tránh bệnh thiếu máu, có trong cá, thịt, rau xanh, trứng, đậu nành, khoai tây, nho khô, mận khô, quả lựu, quả mơ, chuối….
  • Canxi: Cần thiết cho sự phát triển xương thai nhi, có trong sữa bò. cá, trứng, trái cây, rau cải.
  • Chất xơ: Giúp tiêu hóa, tránh táo bón. Mẹ bầu hãy bổ sung chất xơ có trong rau đậu trái cây.

Ngoài ra, mẹ bầu cần bổ sung thêm acid folic để đảm bảo phát triển thần kinh, giảm nguy cơ dị tật với lượng khoảng 400 mcg mỗi ngày. Bởi thiếu axit folic là nguyên nhân gây khiếm khuyết ống thần kinh mà biểu hiện là nứt đốt sống, thoát vị não… và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch của trẻ. Nhu cầu về axit folic của mẹ bầu trong giai đoạn này là 400mcg axit folic mỗi ngày.

Do ảnh hưởng của hiện tượng “ốm nghén” nên để đảm bảo sức khỏe trong thời gian này, bố nên chia nhỏ bữa ăn cho mẹ bầu từ 5 đến 6 bữa một ngày để tránh hiện tượng nôn, buồn nôn… Có thể ăn những thực phẩm như cam, táo, bánh quy, gừng… để hạn chế tình trạng ốm nghén. Mặt khác, kìm nén những sở thích ăn uống nếu những thực phẩm đưa vào cơ thể không tốt cho bé hoặc cho chính người mẹ.

Trong giai đoạn đầu này, bố nên hết sức lưu ý những thức ăn cần tránh khi mang thai như bia rượu, đồ uống có ga, cồn và một số rau quả có thể dọa sảy thai như: dứa, đu đủ xanh, rau ngót, rau sam, mướp đắng…

Mua sắm đồ bầu

  • Quần áo: Mặc dù giai đoạn 3 tháng đầu bụng của bạn chưa có nhiều thay đổi nhưng bạn cần mặc quần áo, váy thoải mái hơn.
  • Giày dép: Nếu có thói quen sử dụng giày cao gót bạn nên cân nhắc về việc mua một đôi giày thấp, bám chắc để tránh trơn trượt.

Tập thể dục đều đặn

Bạn đừng sợ hoạt động như tập thể dục ảnh hưởng đến em bé. Nếu không có những chỉ định riêng của bác sĩ thì bạn hoàn toàn có thể tập thể dục để nâng cao sức khỏe trong giai đoạn mang bầu. Tập thể dục giúp nhiều phụ nữ mang thai kiểm soát mọi thứ, từ thay đổi tâm trạng, tăng cân quá mức đến đau nhức. Tuy nhiên bạn cần quan tâm đến tần suất và mức độ của tập thể dục như nào.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn có thể tiếp tục bất kỳ thói quen tập thể dục nào trước đây, miễn là nó không liên quan đến việc nâng vật nặng, khả năng té ngã, nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt hoặc xoắn bụng. Đi bộ, tập yoga và bơi lội là những hình thức tập thể dục lý tưởng trước khi sinh đối với hầu hết phụ nữ. Bạn hãy thảo luận về thói quen tập thể dục của bạn với bác sĩ của bạn nhé.

Bạn đừng quên rèn luyện cơ sàn chậu bằng các bài tập Kegel, điều này sẽ giúp ích cho việc sinh em bé.

Những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu

Thư giãn

Tâm lý của mẹ bầu ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khi mang thai, mẹ bầu hãy giữ một tinh thần lạc quan, thoải mái. Nhiều phụ nữ trong tam cá nguyệt đầu tiên của họ thường lo lắng về việc sảy thai hoặc các biến chứng thai kỳ khác. Do đó, bố hãy sắp xếp thời gian để mẹ bầu được nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn.

Những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu

Bạn cũng cần quan tâm đến các điều kiêng kị về thực phẩm cũng như hoạt động thể chất trong 3 tháng đầu. Các cụ nói “có kiêng có lành” có nhiều những lời khuyên trong giai đoạn đầu mang bầu này. Sau đây là những điều bạn nên tránh, nên hạn chế làm nhiều.

➤ Danh sách những thực phẩm bà bầu nên tránh

Đây là lúc bạn cần loại bỏ một số loại thức ăn ra khỏi thực đơn như thức ăn chưa tiệt khuẩn, thịt và trứng chưa được nấu chín (thịt tái chín, trứng hồng đào), loại cá có nhiều thủy ngân. Những loại thực phẩm này có thể lây bệnh và gây hại cho em bé của bạn. Ngoài ra bạn cần lưu ý tránh các loại thực phẩm sau:

  • Rượu bia, cafein
  • Không ăn quá mặn hay nhiều gia vị
  • Không dùng thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, chế biến sẵn
  • Hạn chế các thực phẩm như cá khô, dưa cà muối, lạp xưởng…

➤ Tránh sử dụng thuốc men trong giai đoạn 3 tháng đầu: không chỉ 3 tháng đầu mà trong toàn bộ thai kỳ bạn cần sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh một số vấn đề sau:

  • Một số chất tẩy rửa gia dụng, hay hóa chất độc hại, các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
  • Tránh hút thuốc lá cũng như hít khói thuốc lá.
  • Tránh uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện.
  • Tránh thức khuya, lao động quá sức, căng thẳng thường xuyên.
  • Làm việc nặng nhọc, tránh leo trèo làm những việc như leo thang với đồ cao.
  • Bồn tắm hoặc vòi hoa sen quá nóng: Nên cẩn thận với các hoạt động khiến nhiệt độ cơ thể mẹ thay đổi đột ngột trong 3 tháng thai kỳ đầu tiên.

➤ Kiêng quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu. Khi có chảy máu âm đạo, đau, rỉ ối hay có cơn co tử cung, động thai hay mẹ có tiền sử sảy thai thì nên kiêng giao hợp.

➤ Tránh tiếp xúc với những yếu tố gây đột biến, gây bất thường bẩm sinh cho thai nhi. Không tiếp xúc với người bị hoặc nghi nhiễm trùng hoặc các bệnh dịch khác.

Những bất thường bẩm sinh đa số là hậu quả của việc tiếp xúc với các tác nhân vào 3 tháng đầu thai kỳ. Một số virus bạn cần tránh xa: herper, viêm gan, rubella, thủy đậu, giang mai, toxoplasma…

Chính vì thế mà có những khuyến cáo hay chỉ định tiêm phòng  trước khi mang thai như: tiêm phòng mũi sởi- quai bi- rubella, thủy đậu, viêm gan B, bạch hầu- ho gà- uốn ván.

Những lưu ý khi mang thai 3 tháng đầu để tránh sảy thai

Dấu hiệu nguy hiểm dọa sảy thai

3 tháng đầu là thời điểm nguy cơ sảy thai có thể dễ xảy ra nhất. Các mẹ bầu cần lưu ý các dấu hiệu sau có thể là nguy cơ dọa sảy thai:

  • Ra máu âm đạo, máu màu đỏ hoặc đen. Ra máu cục hoặc máu lẫn dịch nhầy.
  • Đau lưng.
  • Đau co thắt bụng dưới.
  • Đau co thắt bụng kèm chuột rút.

Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý khi có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, kèm sốt cao trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hoặc thấy đau thắt bụng kèm ra mồ hôi hột, đau kéo dài hơn 30 phút thì nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và được hỗ trợ xử lý.

Khi nhận thấy có dấu hiệu nguy hiểm mẹ bầu cần tới bệnh viện ngay để được hỗ trợ kịp thời.

Lưu ý để tránh sảy thai

Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với mẹ bầu và sự phát triển của con yêu. Trong thai kỳ, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể mẹ khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin và axit folic_được coi là các loại thực phẩm giữ thai hiệu quả nhất.

Đồng thời, mẹ bầu không nên hút thuốc lá và tuyệt tránh xa các loại đồ uống chứa caffeine và cồn như rượu, bia, cà phê vì đây được coi là những tác nhân gây tình trạng sảy thai, thai nhi bị dị tật, …

Vận động nhẹ nhàng, phù hợp

Tập thể dục là một cách tăng cường năng lượng tốt khi bạn mang thai. Trong thời gian mang thai ba tháng đầu này, mẹ bầu phải tránh các hoạt động mạnh, các môn thể thao vận động dùng sức, mạo hiểm như chạy bộ, nhảy dây, leo núi… Thay vào đó là những bộ môn nhẹ nhàng vừa sức như yoga, đi bộ…

Nghỉ ngơi thư giãn

Để giảm thiểu những lo lắng, bất an trong thai kỳ bạn nên chọn cho vợ những hoạt động giúp thư giãn như nghe nhạc, đi dạo,…

Tóm lại, mang thai và sinh con là một thiên chức lớn lao, là niềm hạnh phúc của mỗi người phụ nữ. Trong suốt thời gian mang thai này, bố nên chú ý về chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cũng như sinh hoạt để đảm bảo đến ngày sinh được “mẹ tròn con vuông”.

Chúc các bố và mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc để chào đón con yêu chào đời!

Bài liên quan

x